Cái này là mừng sinh nhật lần thứ 50 của cái guitar Fender bác ạ. David Gilmour lão ấy sinh năm 1946 cơ. Năm 2004 là 58 tuổi mà vẫn đánh ác. :mrgreen:
"Shine on you crazy diamond" dịch nôm ra tiếng Việt là " Hãy tiếp tục tỏa sáng nhé anh bạn, viên kim cương điên của tôi". Trong tiếng Anh shine on có nghĩa tương tự như keep on shinning: hãy tiếp tục tỏa sáng, còn từ crazy có nghĩa là điên khùng nhưng không có ý nghĩa xấu - ko có từ tương đương trong tiếng Việt và có nghĩa giống kỳ quái, lạ lùng hơn(từ nghĩa xấu là mad- điên khùng, mất trí). Trong câu này, crazy diamond muốn ám chỉ Syd Barrett, tay guitar kiêm vocal, thành viên sáng lập và là người lãnh đạo cũng như sáng tác chính của band nhạc Pink Floyd trong những năm đầu tiên - lúc này band nhạc chơi theo kiểu psychedelic rock đang thịnh hành và David Gilmour chưa ra nhập nhóm. Về sau, Syd Barret bị bệnh và rời khỏi Pink Floyd và trở nên mất trí hoàn toàn. Pink Floyd chuyển dần sang space và progressive rock ( bắt đầu từ Atom Heart Mother) tuy vẫn còn những ảnh hưởng rõ nét của psychedelic rock. Sau album Meddle - 1971 gây tiếng vang lớn, band nhạc trở thành những siêu sao trên nền âm nhạc thế giới với album kinh điển "Dark Side Of The Moon" với sự cộng tác với nhà một trong những kỹ sư âm thanh nổi tiếng nhất mọi thời đại Alan Parsons. "Dark Side Of The Moon" đã trở thành một album kinh điển vượt tầm thời đại. Tiếp nối thành công của "Dark Side Of The Moon" band nhạc vươn tới đỉnh cao mới của progressive rock với "Wish You Were Here" -1975 và Shine on you crazy diamond là là bài hát chính của album chia làm 2 phần với tổng thời gian 26 phút (cả album có thời lượng hơn 44 phút). Bài hát tưởng nhở về Syd Barrett, người đã trở lại phòng thu studio trong thời gian thu âm album. Nhưng lúc này ông đã mất trí nhớ và thay đổi ngoại hình tới mức ngay cả các thành viên trong band nhạc cũng không nhận ra ông nữa. Bài hát chính là sự tri ân của band nhạc tới thành viên sáng lập gạo cội và lãnh đạo của nhóm. Album này cũng đánh dấu một cột mốc của Pink Floyd, đây là album cuối cùng mà họ còn là một band nhạc thực thụ trước khi chuyển dần sang thành giai đoạn Roger Waters trở thành người lãnh đạo và sáng tác chính. Từ đây cũng phát sinh những mâu thuẫn to lớn và sự ra đi của Waters sau này dẫn tới sự sụp đổ của một band nhạc huyền thoại và làm tan nát trái tim bao nhiêu người hâm mộ trên toàn thế giới. Cùng với những Time, Money, Comfortably Numb, Echoes, Pig... Shine on you crazy diamond là một tuyệt phẩm không thể quên của một ban nhạc tuyệt vời - Pink Floyd. Hy vọng bài viết không quá dài và các bác có thời gian đọc hết
Bác no1 dịch hay quá, thì ra phải ngắt Shine on, you crazy diamond. hèn chi trước giờ em chả hiểu câu này là gì. Bác thấy album nào hay nhất của Pink, có thể chia sẻ với anh em được ko ạ? Thân.
Em xin review các album của Pink Floyd như sau: I. Các album thời kỳ psychedelic: 1)The piper at the gate of dawns -1967: album khởi đầu của Pink Floyd, chưa có Gilmour, nặng chất psychedelic và khác rất nhiều so với âm nhạc của Pink Floyd sau này. Các sáng tác chủ yếu là của Syd Barrett. Nếu các bác nghe quen nhạc của Pink Floyd sẽ thấy rất ngạc nhiên vì chất nhạc hoàn toàn khác. 2) A Saucerful Of Secrets -1968: David Gilmour ra nhập và trở thành thành viên thứ 5 của band nhạc. Barrett không còn sáng tác nhiều như The Piper, nhưng ảnh hưởng của ông thì vẫn xuyên suốt cả album. Các sáng tác chủ yếu của Waters nhưng vẫn mang nặng tính psychedelic. 3) Ummagumma -1969: đây là một album kép gồm 2 phần: phần 1 là đánh live, phần 2 là các sáng tác riêng lẻ của các thành viên trong nhóm. Vì thế ý tưởng chưa rõ ràng và thiếu tập trung II. Thời kỳ chuyển tiếp 4) Atom Heart Mother : từ album này đã xuất hiện những hướng đi mới cho Pink Floyd, đây là album kết hợp giữa psychedelic và space/progressive rock. "Atom Heart Mother" là bài hát chủ đạo của album kéo dài tới hơn 23 phút, đánh dấu bước chuyển quan trọng của Pink Floyd. Trước đây, các bài hát của Pink Floyd thường khá ngắn. Tuy nhiên chất psychedelic vẫn còn nhiều. III. Thời kỳ space/ progressive rock (thời kỳ thành công của cả band nhạc) 5) Meddle -1971: Meddle đánh dấu bước chuyển hoàn toàn của Pink Floyd sang thể loại space/progressive rock - thể loại do bản thân Pink Floyd sáng tạo ra với những thử nghiệm mới. Chất âm Pink Floyd đã được thể hiện rõ nét trong album này. Tuyệt phẩm Echoes dài hơn 23 phút chính là siêu phẩm đầu tiên của space rock. 6) Dark Side Of The Moon -1973: Album concept đặc trưng của progressive rock. Nếu bây giờ đưa album này cho một người mới nghe thì cũng không thể nghĩ rằng album này được phát hành từ những năm 70s. Một album hoàn hảo cả về nội dung cũng như chất lượng thu âm. Các tuyệt phẩm: Time, Money hay Great Gig in the sky luôn xuất hiện trong các buổi biểu diễn của Pink Floyd, Roger Waters và cả David Gilmour nữa. Bán được 15 triệu album chỉ riêng ở Mỹ. 7) Whish You Were Here -1975: Tưởng như sau thành công rực rỡ của Dark Side Of The Moon, sẽ rất khó cho Pink Floyd có thể vượt qua được đỉnh cao này nữa nhưng Pink Floyd đã chứng minh tài năng thực sự của mình. Mặc dù về doanh thu không bằng Dark Side Of The Moon nhưng với những fan hâm mộ của Pink Floyd và progressive rock, album này thậm chí còn được đánh cao hơn với tuyệt phẩm Shine On You Crazy Diamond. Album này cũng kết thúc thời kỳ Pink Floyd là một band nhạc thực thụ, sau album này Waters trở thành người sáng tác chính của nhóm và các thành viên khác chỉ còn đóng góp rất nhỏ vào những sáng tác trong các album sau của Pink Floyd. IV. Thời kỳ Waters lãnh đạo 8 ) Animals 1977: Gần như đây là album solo của Waters, tuy nhiên đây vẫn là một tuyệt phẩm khác của Pink Floyd. Một album concept khác, phản ánh cái nhìn riêng biệt của Waters với thế giới: giận dữ, căm phẫn và đầy bi quan. Pigs, Dogs, Sheep vẫn là những tuyệt phẩm không thể quên của Pink Floyd. 9) The Wall - 1979: Lại tiếp tục một album concept nói về mọi mặt và những biến đổi trong tâm hồn con người. Đây cũng gần như là album solo của Waters. Đa phần các bài hát đều ngắn và có giai điệu khá tốt tuy nhiên phần âm nhạc thì lại quá đơn giản so với những bài hát có kết cấu phức tạp của Pink Floyd trước đây. Album thành công vang dội, bán được hơn 23 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ. Nội dung concept cũng tuyệt vời chỉ có chất lượng âm nhạc thì chưa đạt được đến tầm đỉnh cao như DSOTM, Animals hay WYWH. Những bài hát hay nhất album, trớ trêu thay lại là những bài hát có sự tham gia của Gilmour kết hợp với Roger Waters như siêu phẩm Comfortably Numb, Run Like Hell. Sau album này, mâu thuẩn giữa Waters và Gilmour với các thành viên khác lên tới đỉnh điểm dẫn tới sự ra đi của Waters sau này. 10) The Final Cut -1983: Từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 80, progressive rock sau một thời gian nở rộ bắt đầu đi vào thoái trào. Sự xuất hiện và lớn mạnhcủa punk rock và disco cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc các band nhạc progressive rock lần lượt bị tan rã hoặc phải chuyển sang thể loại khác để có thể thu hút khán giả. Sau những mâu thuẫn kéo dài. Đây là album cuối cùng của Pink Floyd có sự góp mặt của Waters. Một concept album nữa nhưng chất lượng cả về âm nhạc và nội dung đã không còn. Water lần này sáng tác toàn bộ cả album mà không sáng tác chung với 1 thành viên nào khác. Sau album này, Pink Floyd tan rã. V. Thời kỳ không còn Waters 11) A Momentary Lapse of Reason -1987: Lúc này Pink Floyd chỉ còn 2 thành viên Nick Mason và David Gilmour, album này là sự thất bại nặng nề của Pink Floyd. Các sáng tác đều của Gilmour, ông tuy là một tài năng âm nhạc nhưng viết lyrics rất kém. Không còn Richard Wright chất âm của Pink Floyd cũng không còn như trước. 12) The Division Bell -1994: Album cuối cùng của Pink Floyd (khả năng tái hợp của Pink Floyd là rất nhỏ, Richard Wright cũng đã mất vì ung thư). Rút kn từ album trước, Gilmour mời Wright trở lại và thuê một người viết lời (Polly Samson, người sau này thành vợ của Gilmour). Với sự tham gia của Wright trong việc sáng tác, chất âm thực thụ của Pink Floyd đã trở lại. Album khá thành công và có chất lượng âm nhạc rất tốt. Một số siêu phẩm: Coming back to life, high hopes... Như vậy với những bác mới nghe Pink Floyd sự lựa chọn tốt cho các bác sẽ là : Dark Side Of the Moon, Wish You Were Here, The Division Bell và The Wall. Sau khi các bác nghe đã thấy thích rồi thì nên nghe tiếp : Animals, Meddle, Atom Heart Mother. Cuối cùng là các album khác. Còn với những người đã đam mê Pink Floyd thì có lẽ sẽ là Dark Side Of the Moon, Wish You Were Here, Animals, Meddle. Tiếp đến là The Wall, The Division Bell, Atom Heart Mother. Cuối cùng là các album khác. Hy vọng có thể giúp được các bác. Em cũng xin tặng các bác tuyệt phẩm High Hopes của Pink Floyd.
Thân tặng các fan của Pink Floyd tuyệt phẩm “Comfortably Numb” bài hát (có lẽ) là hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pink Floyd. Comfortably Numb là bài thứ 6 trong đĩa 2 của album “The Wall” phát hành năm 1979 của Pink Floyd. Phần nhạc của bài hát chủ yếu do Gilmour sáng tác, phần lời tất nhiên là do Waters (một người rất giỏi viết lyric).Đây là một album có cốt truyện –concept album, kể về cuộc đời một ngôi sao nhạc rock (tên là Pink). Pink có một tuổi thơ khó khăn khi cha anh mất sớm trong chiến tranh. Sự kết hợp giữa sự thiếu vắng tình yêu của người cha, sự chăm sóc quá đáng và kỹ lưỡng của người mẹ với một môi trường giáo dục có vấn đề đã như những viên gach đầu tiên để xây lên bức tường ngăn cách Pink với thế giới. Khi trưởng thành, do có tài, Pink trở thành một ngôi sao nhạc rock nhưng anh có rất ít bạn. Trong một lần lưu diễn tại Mỹ, Pink phát hiện ra vợ mình phản bội. Những va chạm với cuộc sống và lớp trẻ sa đọa, bầu sô tàn nhẫn khiến Pink cảm thấy thế giới đầy những điều tàn nhẫn và bẩn thỉu. Anh chuyển dần từ một đứa trẻ nhút nhát sang một thanh niên với tư tưởng phát xít với mong ước “làm sạch” thế giới này bằng cách tiêu diệt những điều xấu xa, bẩn thỉu bằng bạo lực. Bài hát Comfortably Numb là những cảm giác và tư tưởng của Pink sau khi biết vợ phản bội, anh đập phá căn phòng cho thuê, tự làm bị thương chính mình rồi rơi vào hôn mê, lúc này cửa phòng anh đã khóa và cũng đã sắp đến giờ cho một show diễn mới của Pink Bài hát mở đầu khi người dọn dẹp gõ cửa phòng của Pink mà không thấy ai trả lời: Hello, Is there anybody in there? Just nod if you can hear me Is there anyone home? (Xin chào Có ai ở đấy không? Chỉ cần ra hiệu nếu như anh nghe thấy tôi nói Có ai ở trong nhà không?) Vì Pink đã hôn mê và cửa bị chốt trong vả lại cũng đã sắp đến giờ diễn nên bầu sô vội vàng kéo theo bác sỹ và đập cửa phòng xông vào. Lúc này, Pink đang hôn mê. Mặc dù vậy giọng của bầu sô vẫn ráo hoảnh và vô tình như không có gì xảy ra. Come on Now I hear you're feeling down I can ease your pain Get you on your feet again (Thôi nào anh bạn Tôi vừa nghe là anh mệt Tôi sẽ làm cho anh bớt đau Và anh sẽ lại đứng trên đôi chân của mình được thôi) Viên bác sỹ đi cùng cũng chứng tỏ sực có mặt của mình và độ nhiệt tình với công việc Relax I'll need some information first Just the basic facts Can you show me where it hurts? (Hãy thư giãn đi đã Nhưng tôi cần một số thông tin đầu tiên Những thông tin cơ bản Anh hãy chỉ cho tôi chỗ anh bị đau xem nào) Nhưng lúc này Pink đã hoàn toàn bị chìm vào trong mê sảng. Anh không còn nghe thấy mọi người nói gì nữa. Trước mắt anh là một khung cảnh lạ lùng nửa thực nửa mơ. There is no pain you are receding A distant ship's smoke on the horizon You are only coming through in waves Your lips move But I can't hear what you're saying (Không có đau đớn gì hêt, và mọi người đang dần bị đẩy ra xa Nơi chân trời xa một con thuyền đang nhả khói Mọi người – trên thực tế đang vây quanh anh- thì chỉ tiến lại gần bằng cách lướt trên những ngọn sóng. Tôi nhìn thấy môi của mọi người cử động Nhưng tôi không thể nghe thấy những điều mọi người nói) Và những kỷ niệm sâu sắc từ thuở niên thiếu quay trở lại với Pink When I was a child I had a fever My hands felt just like Two balloons Now I've got that feeling once again I can't explain You would not understand This is not how I am I... Have become comfortably numb (Khi tôi còn nhỏ, có một lần tôi bị sốt Tay tôi có cảm giác như là hai quả bóng – nhẹ và lơ lửng không điều khiển được. Bây giờ, cảm giác đó quay trở lại với tôi một lần nữa Tôi không thể giải thích Và các anh cũng sẽ không thể hiểu được Tại sao tôi lại như thế này. Và tôi thấy mình siêu thoát) Nhưng trên thực tế, tay bác sỹ đang tìm cách làm cho Pink tỉnh lại. O.K. Just a little pin prick There'll be no more aaaaaaaah! But you may feel a little sick (OK Nó sẽ chỉ hơi tê một chút thôi Rồi anh sẽ thấy hết …. Aaaaaaaaaaah- tiếng thét của Pink khi bị tiêm. Nhưng có lẽ anh sẽ thấy mệt một chút) Ngay sau khi thấy Pink phản ứng, bầu sô lập tức lên tiếng Can you stand up? I do believe it's working Good That'll keep you going through the show Come on It's time to go (Anh có thể đứng lên được không? Tôi tin là thuốc có tác dụng tốt Nó sẽ làm cho anh có thể đến show diễn được rồi Nào Đến lúc phải đi rồi) Trên thực tế, Pink vẫn đang ở trong trạng thái mê sảng. Cảm giác bồng bềnh như lướt sóng tiếp tục trở lại There is no pain you are receding A distant ship's smoke on the horizon You are only coming through in waves Your lips move But I can't hear what you're saying (Không có đau đớn gì hêt, và mọi người đang dần bị đẩy ra xa Nơi chân trời xa một con thuyền đang nhả khói Mọi người – trên thực tế đang vây quanh anh- thì chỉ tiến lại gần bằng cách lướt trên những ngọn sóng. Tôi nhìn thấy môi của mọi người cử động Nhưng tôi không thể nghe thấy những điều mọi người nói) Kỷ niệm sâu sắc lúc tuổi thơ một lần nữa trở quay trở lại với Pink. Nhưng lần này, anh đã từ từ chấp nhận trở lại thực tại trong cam chịu mặc dù vẫn còn nhiều tiêc nuối. When I was a child I caught a fleeting glimpse Out of the corner of my eye I turned to look but it was gone I cannot put my finger on it now The child is grown The dream is gone I... Have become comfortably numb (Khi tôi là một đứa trẻ Tôi đã từng bắt gặp một thứ gì đó lướt qua rất nhanh Ở đuôi mắt của tôi Nhưng khi tôi quay lại để nhìn thì nó đã không còn nữa Bây giờ thì tôi cũng không thể chạm ngón tay của mình vào nó được nữa Thằng bé đã lớn Và giấc mơ cũng qua Tôi như vừa mới trở nên siêu thoát. Bài hát kết thúc bằng đoạn solo guitar đỉnh cao của Gilmour. Đoạn solo guitar này đã trở nên phổ biến và được đánh giá rất cao bởi cả fan hâm mộ cũng như giới chuyên môn. Tạp chí guitar world đã bình chọn đoạn solo này đứng thứ 4 trong số top 100 solo của mọi thời đại. Mời các bác thưởng thức tài nghệ của Pink Floyd qua tuyệt phầm Comfortably Numb – Siêu thoát
Thnaks bác No1knows Bác có thể viết kỹ hơn về ảnh hưởng của Wright với chất âm của Pink Floyd cho anh em biết được k ạ ?
Cảm ơn Bác No1know rất nhiều vì đã chia sẻ tình cảm và thông tin Bác biết tới fan Pink Em bây giờ it nghe rock nhưng các album của Pink thì em vẫn còn giữ Em xin bổ xung: các Bác yêu Pink nên sưu tầm DVD của Pink vì cả nghe và nhìn đều rất phê Chúc fan Pink một ngày nghỉ lễ vui vẻ
Theo yêu cầu của bác Caithang và để tặng cho các fan hâm mộ của Pink Floyd em xin viết bài phân tích vai trò và ảnh hưởng của Richard Wright tới âm nhạc của Pink Floyd. Richard Wright là người chơi piano, keyboards, Hammond organ của band nhạc. Khi nhắc đến Pink Floyd, người ta thường nhắc đến space rock – thể loại nhạc mà Pink Floyd đã sáng tạo ra và phát triển đến mức đỉnh cao. Vậy space rock là gì và tại sao nó lại khiến cho tên tuổi của Pink Floyd trở nên bất tử trong nền âm nhạc hiện đại thế giới? Trước tiên ta hãy ngược dòng thời gian để trở lại với lịch sử của band nhạc và lịch sử âm nhạc thế giới. Giai đoạn đầu tiên khi mới thành lập, Pink Floyd chơi thể loại psychedelic, thể loại này đã được đặt nền móng từ The Beatles, Yarbirds và The Byrds từ trước đó. Psychedelic là thể loại nhạc ảo giác, thường diễn tả những ảo giác của người sử dụng ma túy. Dòng nhạc này cũng thường kết hợp với các nhạc cụ và âm nhạc phương Đông, đặc biệt là Ấn độ vào trong các sáng tác của mình. Những band nhạc thành công và tiêu biểu của thể loại nhạc này có thể kể đến: Jimi Hendrix, Doors, Grateful Dead… Nhưng sau đó, Pink Floyd tự sáng tạo ra một thể loại nhạc riêng: space /experimental/ progressive rock và cũng với thể loại âm nhạc này, band nhạc đã vượt trước tầm thời đại và đặt nền móng quan trọng cho việc phát triển của âm nhạc hiện đại. Nên nhớ rằng ở thời điểm những năm 70s, âm nhạc thế giới có thể chia thành hai phần: phần chịu ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển với độ phức tạp cao và phần âm nhạc pop, rock với cấu trúc đơn giản và dễ nghe. Việc Pink Floyd sử dụng những thiết bị điện tử (từ những hợp âm đơn giản được với tempo nhanh hơn rất nhiều đã tạo ra như tiếng máy bay trực thăng, tiếng con tàu vũ trụ bay vào không trung…) kết hợp với những âm thanh thường nhật (tiếng xe máy, tiếng chó sủa, tiếng đồng hồ, tiếng máy đếm tiền…) đã trực tiếp tạo ra thứ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ và hiện đại space/experimental rock mà hàng nghìn, hàng vạn nghệ sĩ đã học theo và sẽ còn ảnh hưởng đến âm nhạc hiện đại trong rất nhiều năm nữa. Khi nhắc đến Pink Floyd, người ta thường nhắc tới David Gilmour và Roger Waters, những người sáng tác phần lớn âm nhạc cho Pink Floyd đồng thời là những người hát chính trong band nhạc, vai trò của Richard Wright và Nick Mason thường ít được chú ý hơn. Tuy nhiên, sau những mâu thuẫn và thăng trầm của band nhạc, người hâm mộ và cả các thành viên của band nhạc Pink Floyd mới nhận ra rằng: vai trò của Wright với âm nhạc của Pink Floyd là quá lớn và ông cũng chính là người có đóng góp rất lớn để tạo ra chất âm đặc trưng của Pink Floyd. Wright, người chịu ảnh hưởng của nhạc jazz, neoclassical và experimental đã tạo ra chất âm thanh dầy, ngọt ngào, đầy giai điệu và nhiều lớp rất riêng của Pink Floyd với những việc sử dụng sáng tạo và hiệu quả các thiết bị piano, keyboards (Không nên nhầm lẫn giữa âm thanh được tạo ra bởi Wright với việc sử dụng các âm thanh điện tử để tạo những âm thanh mang nặng tính “không gian”, tiếng động, nhịp điệu cuộc sống của Pink Floyd – đây là sáng tạo của cả 4 thành viên của nhóm). Như vậy, theo cá nhân em nhận định, chất âm đặc trưng của Pink Floyd có thể được miêu tả như sau: 1. Những âm thanh điện tử tạo nên những hiệu quả về không gian, tiếng động, các nhịp điệu cuộc sống bằng cách sử dụng các tiết tấu được làm méo tiếng và tăng tempo. Đây không phải sáng tạo riêng lẻ của ai trong nhóm. Cả 4 thành viên của Pink Floyd đều là những người sáng tạo ra chất âm space này (Các sáng tác riêng lẻ của từng người đóng góp trong âm nhạc của Pink Floyd đều có đặc trưng tiêu biểu này). 2. Tiếng guitar solo quái dị và lạ thường của David Gilmour, nhiều lúc kết hợp cả acoustic guitar và hawai guitar. 3. Lyrics với ý nghĩa sâu xa và đậm chất thơ của Roger Waters. 4. Giai điệu du dương và ngọt ngào cùng với âm thanh dày và nhiều lớp do Richard Wright mang lại. 5. Những bài hát giận dữ và phá cách do cái nhìn tiêu cực của Waters với thế giới và cuộc sống (cái này chỉ có kể từ album Animals trở đi, tuy nhiên không có Waters, âm nhạc của Pink Floyd trở nên hiền và ít giận dữ đi rất nhiều, thể hiện rõ nét ở các album The Division Bell, A Momentary Lapse Of Reason cũng như các album trước đó khi Waters chưa trở thành người sáng tác chính như: Meddle, Dark Side Of The Moon, Wish You Were Here…) Tuy là thành viên sáng lập nhưng có 2 album của Pink Floyd, Wright không có mặt đó là : The Final Cut và A Momentary Lapse Of Reason. Đáng buồn thay, đây lại là 2 albums tệ nhất của Pink Floyd. Lý do của việc Wright không có mặt trong album The Final Cut là do: ông bị Waters sa thải. Waters lúc này như ông chủ của band nhạc, ông sáng tác tất cả các ca khúc của band nhạc và thậm chí không thèm nói chuyện cũng như tiếp thu những ý tưởng của các thành viên khác. Với những album từ Wish You Were Here trở về trước, Pink Floyd thường làm việc và chơi nhạc với nhau, từ đó phát triển các ca khúc, rất nhiều các bản nhạc hay nhất của Pink Floyd được sinh ra từ cách làm việc này. Để thay thế cho Wright trong The Final Cut, Waters thậm chí thuê cả dàn giao hưởng đồng thời thuê nhạc trưởng Micheal Karmen – nhạc trưởng của dàn giao hưởng đánh album S&M của Metallica- về để đánh piano và Hammond organ. Nhưng thật đáng tiếc, chất âm của Pink Floyd không còn. Album thứ 2 mà Wright không có mặt là A Momentary Lapse Of Reason, cũng lại là một thất bại thảm hại khác của Pink Floyd. Về sau, ngay cả các nhà chuyên môn, fan hâm mộ và các thành viên của Pink Floyd đều cho rằng: 2 album không có Wright thực chất chỉ là những album solo của riêng Waters và Gilmour và là những album dở nhất của Pink Floyd. Sau khi Pink Floyd tung ra album A Momentary Lapse Of Reaon, Waters thậm chí đã cười vào mặt Gilmour khi phát biếu: Pink Floyd không có ông là Pink Floyd giả mạo. Chính Wright chứ không phải ai khác đã chứng minh rằng Roger Waters đã sai và tự ảo tưởng về mình quá nhiều. Với sự góp mặt và tham gia sáng tác chung với Gilmour trong phần lớn album The Division Bell, chất âm thực thụ và đỉnh cao của Pink Floyd đã trở lại. Việc thuê người kết hợp viết lời đã khiến sự vắng mặt của Waters không còn ý nghĩa, đây là một album có lyric hay nhất của Pink Floyd, cùng với The Wall hay Dark Side Of The Moon. The Division Bell cũng là album vượt trội và mang chất Pink Floyd hơn hẳn các album solo của Waters hoặc Gilmour. Bản thân Wright cũng có hai album solo, trong đó album Broken China của ông lại có cấu trúc và âm nhạc giống Pink Floyd hơn tất cả các album solo của Waters và Gilmour, thật kỳ lạ, vậy ai là người có ảnh hưởng quan trọng nhất tới âm nhạc của Pink Floyd? Các bác có thể tự tìm cho mình câu trả lời. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đã đủ chứng minh vai trò quan trọng của Wright tới âm nhạc của Pink Floyd. Ông cũng là người tham gia sáng tác cho những tuyệt phẩm của nhóm như : Echoes, Shine On You Crazy Diamond. Ngoài ra ông còn tự mình sáng tác phần nhạc cho các tuyệt phẩm Us And Them và Great Gig In The Sky trong album Dark Side Of The Moon. Wright mất năm 2008 do bệnh ung thư. Với sự ra đi của Wright, chắc chắn chất âm đặc trưng cho Pink Floyd có lẽ sẽ không còn trở lại do những đóng góp quá lớn của ông với âm nhạc của Pink Floyd và sẽ khó có ai có thể thay thế được vai trò của ông. Để kết thúc bài viết của mình. Xin thân tặng các bác tuyệt phẩm The Great Gig In The Sky, tuyệt phẩm do một mình Wright sáng tác trong album The Dark Side Of The Moon. Chúc các bác cuối tuần vui vẻ.
Film " The Wall " là 1 bộ Film em xem rất nhiều lần - Tuy nhiên các bác khoai Tây than phiền là bài kinh điển số 1 của CD2 là " Hey You " đã bị Roger Waters cắt bỏ do các cảnh quay lặp đi lặp lại . Bài này chỉ xuất hiện trong DVD " The Wall " 25th Anniversary Edition.
Lâu quá mới thấy một tay nghiện Pink nặng suất hiện Sao em chưa thấy em Bác suất hiện nhỉ (cũng là một tay nghiện Pink nặng như Bác)
Theo em bài nào hay nhất chỉ là ý chủ quan của mỗi người thôi. Cũng có nhiều người cả Tây lẫn ta họ lại thích Comfortably Numb hơn. Các thành viên của band nhạc cũng thích Comfortably hơn đấy bác ạ. ít có buổi biểu diễn nào mà lại vắng bài này. Cá nhân em cũng thấy tiếc khi hai bài Hey You và The Show Must Go On bị out khỏi video.
MEDDLE – PINK FLOYD 1971 Khi nhắc đến Pink Floyd, người ta thường nhắc đến các album nổi danh và thân thuộc của nhóm như Dark Side Of The Moon, Wish You Were Here, The Wall, Animals, The Division Bell mà ít khi nhắc đến các albums khác. Tuy nhiên trong các tuyệt tác của Pink Floyd không thể không nhắc đến Meddle, album đánh dấu sự chuyển hướng hoàn toàn của band nhạc. Với Meddle, Pink Floyd đã sáng tạo ra một thứ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ và có ảnh hưởng lớn tới nền âm nhạc thế giới sau này – space/ experimental progressive rock với việc ứng dụng các âm thanh điện tử tạo ra các hiệu ứng về âm thanh, tiếng động và tạo ra một “không gian” âm nhạc với rất nhiều các thử nghiệm mới lạ vượt tầm thời đại. Tất cả những đặc trưng trong âm nhạc của Pink Floyd đều được thể hiện rất rõ nét trong album này, đặc biệt là trong siêu phẩm đầu tiên của nhóm – Echoes. Meddle cũng chấm dứt hoàn toàn những ảnh hưởng còn lại của Syd Barrett tới âm nhạc của nhóm và tạo tiền đề cho album đột phá Dark Side Of The Moon, album đưa Pink Floyd trở thành những siêu sao trên nền âm nhạc thế giới. Bìa đĩa của Meddle cũng vẫn còn mang tính psychedelic khi diễn ta hình ảnh của một đôi tai ở dưới nước. Tiếp nối những thành công của Atom Heart Mother, Meddle chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Pink Floyd trong việc tìm ra hướng đi âm nhạc mới cho mình Khởi đầu bằng “One Of These Days” một nhạc phẩm không lời với phần khởi đầu mạnh mẽ và đầy ấn tượng bởi phong cách chơi mới – double bass: cả Waters và Gilmour đều chơi guitar bass, nhạc phẩm cũng bắt đầu sử dụng những hiệu ứng âm thanh để tạo ra chất âm space riêng biệt của Pink Floyd với những âm thanh điện tử giả lập tiếng trực thăng, tiếng gió thổi. “Pillow Of The Winds” đây là một nhạc phẩm mang nặng tính progressive folk và là love song hiếm hoi của Pink Floyd. Âm thanh nhẹ nhàng, êm dịu thậm chí không có cả trống. Nhạc phẩm mang nhiều âm hưởng dân ca với chất đậm chất acoustic. “Fearless” Cũng giống như Pillow Of The Winds, nhạc phẩm này cũng mang nặng tính progressive folk, giai điệu cũng nhẹ nhàng và mang nặng tính dân ca nhưng giai điệu và lời hát thì hay hơn nhiều so với Pillow Of The Winds. Trong nhạc phẩm này có kết hợp cả bài hát You’ll Never Walk Alone – bài hát truyền thống của câu lạc bộ bóng đá Liverpool ở phần đầu và phần cuối của nhạc phẩm. “San Tropez” khác với hai nhạc phẩm trước đấy, nhạc phẩm này mang hoàn toàn phong cách nhạc jazz và chỉ do một mình Waters sáng tác. Nhạc phẩm này cũng là nhạc phẩm hiếm hoi mà Wright có phần solo guitar ở cuối bài hát. “Seamus” là nhạc phẩm kết thúc phần đầu của album, nhạc phẩm này lại mang nhiều âm hưởng blues, điều đặc biệt ở nhạc phẩm này là khi giai điệu bài hát vang lên thì band nhạc thu âm tiếng chú cho tên là Seamus đang sủa vào nhạc phẩm. Nhạc phẩm cũng được lấy tên theo tên của chú chó. Đây cũng là một đặc trưng của âm nhạc Pink Floyd cho mãi tận sau này, tích hợp những âm thanh của cuộc sống để tạo nên chất âm riêng biệt và hiện đại của band. Mặt 2 của album chính là siêu phẩm đầu tiên của nhóm, Echoes. Echoes – Tiếng vang chính là tác phẩm mang đậm tính progressive rock đầu tiên của Pink Floyd với tempo liên tục thay đổi. Tác phẩm cũng cũng thể hiện sự sáng tạo vượt bậc của band nhạc khi các thành viên liên tục sáng tạo và thử nghiệm những hiệu ứng âm thanh hoàn toàn mới lạ vào tác phẩm và làm cho tác phẩm mang đậm tính “không gian” và thời gian. Đây là nhạc phẩm dài thứ 3 trong lịch sử sáng tác của Pink Floyd kéo dài hơn 23 phút(chỉ sau Shine On You Crazy Diamond và Atom Heart Mother), được viết lên bởi nhiều phần khác nhau nhưng chỉ có một nội dung xuyên suốt. Khác với những siêu phẩm về sau này của Pink Floyd thường do Waters sáng tác lời, nhạc phẩm này do cả 4 thành viên sáng tác cả phần nhạc và lời. Đây cũng là nhạc phẩm hiếm hoi mà Wright là người hát chính, ông hát bè cùng Gilmour: ông đảm nhận bè cao còn Gilmour hát bè trầm. Chủ đề chính của bài hát là về sự đồng điệu trong cuộc sống, trong tâm hồn của hai con người, hay nói một cách khác hơn là về tình bạn và tiếng piano méo tiếng hay tiếng vang (echoes) chính là biểu trưng cho tình bạn này. Trong nhạc phẩm, có những lúc tiếng vang bị lu mờ bởi những âm thanh khác. Nhưng nó chính là âm thanh xuất hiện đầu tiên và đến khi tất cả các nhạc cụ khác tắt dần thì nó là âm thanh duy nhất còn tồn tại như sự bất tử của tình bạn vậy. Siêu phẩm được mở đầu bằng những tiếng ping nhỏ nhẹ tựa như những giọt nước đang rỏ xuống mặt đất bằng việc sử dụng việc làm méo tiếng piano. Sau đó một âm thanh run rẩy và méo mó và rất nhỏ như từ xa vọng lại – nó chính là tiếng vang (echoes). Nó chính là biểu hiện cho sự đồng điệu giữa tâm hồn giữa những con người. Và câu chuyện về tình bạn bắt đầu. Lúc này một âm thanh nhẹ nhàng với tiết tấu chậm và buồn bã da diết như muốn diễn tả sự lạc lõng và cô đơn của một con người (nhân vật trong bài hát).Và giọng hát của cặp đôi Gilmour, Wright cất lên. Overhead the albatross hangs motionless upon the air And deep beneath the rolling waves in labyrinths of coral caves The echo of a distant tide Comes willowing across the sand And everything is green and submarine And no one showed us to the land And no one knows the where's or why's But something stirs and something tries And starts to climb towards the light (Phía trên đầu, những con hải âu đại bị treo bất động trong không gian Và ở sâu phía dưới, những con sóng lăn trong những mê cung hang động bằng san hô Tiếng vọng từ ngọn sóng thủy triều xa vợi Lướt nhẹ trên cát Mọi thứ đều trở nên màu xanh và chìm sâu dưới biển Và không ai có thể chỉ cho ta đường tới đất liền Không ai biết ở đâu và tại sao Nhưng có cái gì đấy đang xao động và có gì đấy đang cố gắng Và bắt đầu trèo qua ánh sáng. Khi giọng hát tạm ngừng thì tiếng guitar bass Waters vang lên với một giai điệu mạnh mẽ như muốn kéo tâm hồn bay bổng này trở lại vòng xoáy của cuộc đời vậy. Nơi này toàn những người xa lạ, vô tình. Nhưng có một lúc anh lại gặp một người có tâm hồn đồng điệu với chính mình. Một người mà anh có thể sẻ chia cảm xúc thật của mình. Strangers passing in the street By chance two separate glances meet And I am you and what I see is me And do I take you by the hand And lead you through the land And help me understand the best I can And no one calls us to move on And no one forces down our eyes And no one speaks And no one tries And no one flies around the sun (Những người xa lạ đi qua trên đường phố Chắc phải có duyên số thì hai ánh mắt mới gặp nhau Tôi biến thành anh và những gì tôi nhìn thấy lại chính là bản thân tôi Và tôi có thể nắm bàn tay anh Rồi dẫn anh đến nơi đất liền Để tôi có thể hiểu được những điều tốt nhất mình có thể làm Và sẽ chẳng có ai thúc giục chúng ta nữa cả Cũng không ai có thể làm cho mắt ta cụp xuống Và sẽ không còn ai nói gì nữa Và sẽ không còn ai phải cố gắng Và không còn ai bay vòng quanh mặt trời nữa cả) Vòng xoáy của cuộc sống quay lại và kéo anh về với thực tại. Nơi anh phải chiến đấu, nơi anh phải gồng mình cố gắng thể hiện bản thân mình và đôi lúc anh quên mất người bạn. Anh lang thang, bay bổng và rong chơi mà không nhận ra mình đã đi quá xa. Bầu trời lúc này đã ngả về chiều, anh nhìn lại và thấy mình ở một nơi xa lạ, không một bóng người. Anh muốn tìm, anh muốn gọi muốn thoát ra nhưng hoàn toàn vô vọng. Anh đã lạc lối ở một nơi xa xăm và anh không còn ai ở bên cạnh nữa. (Lúc này, bài hát chuyển tông với tiếng trống chủ đạo như thúc giục vội vã và tiếng guitar cất lên nghe có phần lạc lõng như cánh chim khắc khoải lạc, thảng thốt gọi bầy và tìm chốn đỗ trước khi màn đêm buông xuống). Màn đêm buông xuống, chỉ còn lại tiếng gió thổi ầm ù ở một nơi hoang vắng không có bóng người. Lác đác có những tiếng kêu xé lòng của những sinh vật chuyên sống về đêm giữa một khoảng không vô tận và đầy cạm bẫy. Đâu đó tiếng rên não lòng của những con dế, tiếng cú rúc và tiếng quạ bầy quạ kêu như ẩn chứa sự rùng rợn và chết chóc. Tiếng kêu gọi bầy của những sinh vật săn mồi càng làm bầu không khí trở nên thê lương và khủng khiếp. Con người anh như không còn lối thoát. Giữa không gian lạnh giá và u ám đó bất ngờ vang lên những tiếng nước rơi nhỏ giọt và tiếng vọng xa lắc hiện lên dần dần và đẩy lùi những âm thanh đe dọa và chết chóc. Người bạn của anh đã quay trở lại như vầng măt trời từ từ xuất hiện và tỏa những tia nắng đầu tiên để sưởi ấm cho anh qua cơn gió lạnh. Và đây đó bắt đầu có tiếng âm thanh của những sinh vật chào mừng ngày mới và cuộc sống của anh từ từ hồi sinh lại. Mặt trời dần lên cao, bầu trời trong xanh và cuộc sống của anh tươi sáng trở lại. Cloudless every day you fall Upon my waking eyes Inviting and inciting me to rise And through the window in the wall Comes streaming in on sunlight wings A million bright ambassadors of morning And no one sings me lullabies And no one makes me close my eyes So I tore the windows wide And call to you across the sky. (Bầu trời luôn trong xanh không mây Khi anh rơi qua con mắt ngái ngủ của tôi Anh mời và khuyến khích tôi tiến lên Và qua cánh cửa sổ trên tường Một dòng nắng bay qua Cùng hàng triệu đại sứ của ngày mới Và sẽ không có ai hát ru tôi ngủ Cũng không còn ai có thể bắt tôi nhắm mắt lại Tôi đứng dậy và xé tung cánh cửa sổ Và lao tới anh xuyên qua bầu trời) Một lần nữa tiếng bass mạnh mẽ trầm bổng như những vòng xoay cuộc sống của Waters quay trở lại, sau đó tiếng trống hôi thúc của cuộc đời cũng xuất hiện trở lại. Nhưng lúc này anh đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.Anh mạnh mẽ vượt qua với người bạn của mình. Khi mọi thứ trong cuộc sống dần qua đi, là lúc các nhạc cụ khác tắt dần, chỉ còn tiếng vọng kia vẫn còn tiếp tục ở lại cho đến hết bài hát. Echoes thực sự là tuyệt phẩm đầu tiên của Pink Floyd, đây là nhạc phẩm sử dụng rất nhiều các dạng âm thanh điện tử và làm méo dạng tiếng để diễn tả một không gian sống động về cuộc sống về tâm hồn con người, điều khác biệt hoàn toàn với thể loại ảo giác psychedelic trước đây. Rất nhiều các thể nghiệm đã xuất hiện trong nhạc phẩm này và do cả 4 thành viên bạn nhạc sáng tạo ra các hiệu ứng âm thanh bằng cách sử dụng khác nhau. Đây là những đặc trưng cơ bản mà sau này đã tạo nên chất âm riêng biệt của Pink Floyd. Nhạc phẩm cũng có sự thay đổi tempo liên tục, một đặc trưng riêng của progressive rock, và tạo nên chất âm space/progressive rock. Để kết thúc bài viết, mời các bác thưởng thức Echoes – siêu phẩm đầu tiên của Pink Flod biểu diễn live để thấy tài nghệ của các thành viên ban nhạc.
Lâu lâu từ hồi ttvnol mới được đọc về Pink mà khoái cảm như vầy. Bác Lâu-Oăn-Lâu lại nhón tay cho em xin 1 bài viết về More soundtrack. Album này cũng ít được nhắc đến và bình luận, khá lạ so với chất Pink. Em tìm CD mãi k có mà mua lại, hình như anh Lơ vinh có CD nhưng gặp anh ki bo cũng khó mượn khó xin, trước trên Hàng Hành có CD burn nhưng chất lượng như khẹc. Loanh quanh mỗi 49 Quang trung bắn ra tape.
Em mới nghe lại "The Division Bell" nghe phê chịu không nổi luôn Cảm ơn Bác no1knows có những bài viết rất hay về Pink giúp cho fan Pink hiểu rõ hơn về Pink
cụ Cai thích cái album này bằng CD em tặng cụ một cái ạ, bản của em là bản rip từ vinyl chất tượng tốt lắm ạ, em thi thoảng vẫn nghe bằng cái này :mrgreen:
Thể theo yêu cầu của bác Cai thang. Em xin post bài review về album sountrack More của Pink Floyd. More – Pink Floyd -1969 Với tên album là “Soundtrack From The Film More” đây là album trọn vẹn làm nhạc phim đầu tiên của Pink Floyd và có thể coi là album thứ 3 của nhóm (sau Piper At The Gate Of Dawn và A Soucerful Of Secrets) – nhiều fan của Pink Floyd không coi đây thực sự là album studio của nhóm tương tự như album nhạc phim Obscured By Clouds. Album mang nặng tính psychedelic – là giai đoạn đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của Pink Floyd với nhiều ảnh hưởng của Syd Barrett. Có thể khái quát sự ra đời của album này như sau: Năm 1969, thời điểm mà Pink Floyd đang ở trong phòng thu để cho ra đời album studio thứ 3 của họ Ummagumma thì Barbet Schroeder, một fan của Pink Floyd đến gặp và yêu cầu band làm soundtrack (nhạc phim) cho phim đầu tiên của mình. Đối với Pink Floyd, đây cũng là thử nghiệm mới mẻ và lần đầu tiên nên các thành viên band nhạc cũng vui vẻ nhận lời với số tiền khá it ỏi – chỉ 600 bảng. Tuy nhiên band nhạc lại được sở hữu bản quyền của album này. Đây cũng là album đầu tiên Barrett không có mặt. Tại thời điểm năm 1969, Richard Wright là người được chờ đợi sẽ là người lãnh đạo band nhạc nhưng ông lại là thành viên duy nhất của band nhạc không thực sự hứng thú với ý tưởng làm nhạc phim. Chính vì thế Waters trở thành người sáng tác chính cho toàn bộ album More. Gilmour cũng có nhiều cống hiến với album khi là người hát chính trong cả album. Album có thể chia làm 2 phần rõ rệt: phần những bài hát mới có lời (phần viết lời hoàn toàn do Waters đảm nhiệm) và phần hòa tấu (instrumental) để phù hợp với tính chất và các tình tiết trong phim. Câu chuyện của phim có nội dung chính là về lối sống Hippy của giới trẻ thời bấy giờ. Chủ đề của phim xoay quanh lối sống tự do, hoang dại và bản năng của thế hệ thanh niên châu Âu ở cuối thập niên 60. Nhân vật chính trong phim là chàng trai trẻ người Đức Stefan, người đã tình cờ quen và “cứu” một cô gái người Mỹ xinh đẹp Estella, khỏi tay Dr. Wolf (Sau này anh mới biết, cô cũng chẳng cần anh cứu vì cô nghiện ma túy và tìm cách ăn trộm của ông này). Thấy cô gái sử dụng ma túy, anh cố gắng làm cô gái bỏ ma túy nhưng rồi chính cô gái lại khiến chàng trai này nghiện ma túy theo. Sau đó hai người cố gắng từ bỏ ma túy nhưng không thành dẫn đến kết cục bi thảm cho chính bản thân chàng trai. Sau đây là phần review album: 1.Cirrus Minor: Pink Floyd thường có những bài hát mở đầu album rất tốt và Cirrus Minor cũng không phải là ngoại lệ. Khởi đầu bằng tiếng chim hót, khá giống với trong “Grandchester Medows” – Ummagumma, nối tiếp là giai đoạn đậm buồn và nhẹ nhàng của Gilmour. Phần cuối là sự tham gia của Wright với Hammond và Farfisan organ với tiết tấu rất giống A Soucerful of Secrets. Bài hát mang nặng chất psychedelic và tiếng trống không hề xuất hiện trong bài hát. 2. Nile Song: Có lẽ là bài hát mạnh nhất của Pink Floyd từ trước tới nay, mang nặng tính hard rock. Bài hát này có lẽ là cảm hứng cho những band nhạc grunge của thập kỷ 90 như Screaming Tree hoặc Mudhoney. Cùng với người anh em sinh đôi của nó là “Ibiza Bar”, đây là hai bài hát hiếm hoi mà Gilmour sử dụng giọng gào thét. Phần solo guitar của Gilmour mang tiết tấu nhanh, mạnh – tương tự như những band nhạc hard rock. 3. Crying Song: một bài hát ballad với giai điệu nhẹ nhàng, tuy nhiên không có điểm nhấn rõ rệt. 4. Up The Khyber(instrumental): Một bài hát hiếm hoi chỉ do Wright và Mason sáng tác chung và mang âm hưởng của nhạc jazz, vì hai ông này đều là fan và chịu ảnh hưởng của nhạc jazz. Đoạn solo trống có nhiều nét tương đồng với “ Set The Controls For The Heart Of The Sun” trong album A Soucerful Of Secrets. Bài hát ngắn và chưa thực sự được phát triển trọn vẹn. 5. Green Is The Color: Một bài hát nhẹ nhàng với âm thanh chủ đạo của acoustic guitar và tiếng piano. Tuy nhiên, giống Crying Song, bài hát này thiếu điểm nhấn. Nó có giai điệu khá giống với “Fat Old Sun” trong album Atom Heart Mother, có lẽ là phần đầu của bài hát này. 6.Cymbaline: Một trong những bài hát đáng nghe nhất album, giai điệu nhẹ nhàng với âm thanh chủ đạo là acoustic guitar, tiếng trống nhẹ nhàng kết hợp với keyboards mang lại hiệu ứng “không gian” khá tốt. 7. Party Sequence: (instrumental) Bài hát chỉ sử dụng 2 nhạc cụ là tiếng trống bongo và tiếng sáo. Bài hát quá ngắn và ít có ý nghĩa, có vẻ như âm nhạc thiếu đi sự phát triển hợp lý. Bài hát này đã không được sử dụng trong phim. 8. Main theme: (instrumental) bài hát này có nhiều điểm tương đồng với A Soucerful Of Secrets. Sau đoạn khởi đầu bằng keyboard được mượn từ A Soucerful Of Secrets, là giai điệu khá tốt với tiếng trống và organ chủ đạo. Giai điệu bài hát hay, dễ nhớ. 9. Ibiza Bar: Có giai điệu khá giống với Nile Song, mang nặng tính hard rock tuy nhiên có đôi chút nhẹ nhàng hơn. 10. More Blues: (instrumental) Đúng như tên của bài hát, nó mang nặng tính blues, với tiếng guitar điện là nhạc cụ chủ đạo. Bài hát có tiết tấu chậm, đặc trưng của nhạc blues. 11. Quicksilver: (instrumental) bài hát dài nhất album, mang nhiều tính thử nghiệm (experimental) như trong các tác phẩm khác của Pink Floyd nhưng thiếu tính giai điệu và còn nặng tính chất psychedelic. Bài hát này cũng có rất nhiều điểm tương đồng với A Soucerful Of Secrets, có lẽ là phần tiếp theo của bài hát này. 12. A Spanish Piece (instrumental) đây là sáng tác của riêng Gilmour với giai điệu flamenco. Nó không thực sự ăn nhập với các bài hát khác trong album và thực chất không có nhiều ý nghĩa với âm nhạc của Pink Floyd. 13. Dramatic Theme: (instrumental) khá giống với Main Song, đây chắc là phần tiếp theo của Main Song. Mang nhiều chất psychedelic. Như vậy có thể thấy album sountrack More thực chất không phải là một bước đột phá trong âm nhạc của Pink Floyd, nó có rất nhiều đoạn tiếp tục phát triển và mượn ý tưởng từ album trước A Soucerful Of Secrets. Tuy Roger Waters là người sáng tác chính và cũng như người làm nên cấu trúc của album, nhưng nó có rất nhiều điểm giống người anh em song sinh với nó Ummagumma như: có nhiều bài hát mang tính thử nghiệm và thiếu tính tập trung vào một chủ đề nhất định. Nhiều khi các bài hát quá khác biệt và không ăn nhập với nhau, một số bài quá ngắn và chưa được đầu tư và phát triển một cách đúng đắn và hợp lý. Chính vì thế, cũng không quá ngạc nhiên khi nhiều fan hâm mộ cho rằng, đây thực chất là đĩa 3 của album Ummagumma. Nhưng không phải vì thế mà đây là một album dở của Pink Floyd, đặc biệt là với những người yêu âm nhạc thời kỳ psychedelic. Trong album cũng có một số bài hát hay như: Cirrus Minor, Nile Song, Cymbaline hay Main Song. Album cũng là cầu nối logic từ A Soucerful Of Secrets để tới Atom Heart Mother, một album đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của band nhạc. Nếu bạn nghe trọn vẹn album này lần thứ nhất, sau đó tiếp tục nghe từ đầu đến cuối mà không bỏ qua một bài hát nào trong album thì chắc chắn bạn sẽ là một fan thực sự của Pink Floyd. Với những bạn mới nghe Pink Floyd thì không nên vội nghe ngay album này mà nên bắt đầu với Dark Side Of The Moon, Whish You Were Here , The Wall hay The Division Bell. Với những người thích âm nhạc space rock của Pink Floyd và mong muốn tìm hiểu về âm nhạc giai đoạn trước của band thì cũng không nên nghe More ngay. Nên tìm nghe đĩa Relics trước, đây là album tuyển chọn các ca khúc giai đoạn psychedelic của Pink Floyd, trong đó có 2 bài hay trong More là :Cirrus Minor và Nile Song. Như thường lệ, để kết thúc bài viết xin gửi tặng các fan hâm mộ Pink Floyd bài hát mang tính hard rock rất lạ trong toàn bộ lịch sử của Pink Floyd được thu âm trong album More: Nile Song.
Cám ơn bác. Thảo nào em thấy album này nó hơi mất tự nhiên, nó ứ đay nghiến kiểu Pink Floyd, nhưng em vẫn thấy nó hay
Bác đúng là một fan thực sự của Pink Floyd rồi. album này cũng không phải dễ nghe và cũng không đặc trưng nhiều cho chất âm nhạc của Pink Floyd. Theo em bác cũng nên tìm nghe Relics. Đây là album tuyển chọn cũng rất hay của Pink đấy.
Bác no1knows cho em hỏi em có album: A MOMENTARY LAPSE OF REASON có được liệt kê là album của Pink không nhỉ ? vì sau này em thấy album của Gilmour lấy tên ông ấy luôn