Tip #11: Thành phần nào luôn luôn là quan trọng nhất trong hệ thống âm thanh của bạn? (tiếp theo phần trước) Trong phần hướng dẫn set-up, tôi sẽ mô tả kỹ thuật set-up cơ bản, bắt đầu với âm thanh tần số thấp. Thực tế là sự đáp ứng với tần số thấp thay đổi với biên độ khá rộng, ví dụ nó có thể tăng thêm 6-8 dB ở tần số 80 Hz hay mất đi 6-8 dB ở tần số 40 Hz và mất 6-8 dB nữa ở 160Hz. Các biến động lớn như thế trong dải tần số thấp, (gây ra do kích thước phòng, vị trí loa và vị trí ngồi nghe) sẽ làm mất tác dụng của những thay đổi nhỏ tạo ra bởi các thiết bị điện tử, dây dẫn tín hiệu và cả loa nữa. Đây là vấn đề mà tôi luôn nhấn mạnh, các thiết bị điện tử, dây dẫn, loa thường khá đắt đỏ trong khi làm việc với căn phòng thì chả mất gì cả. Bạn có thể thu được sự đáp ứng âm thanh tốt hơn, giảm thiểu những âm dội không mong muốn với chi phí rất ít. Vậy sao các audiophile cứ ném tiền vào những thiết bị - của – tháng trong khi lẽ ra họ có thể đạt được sự thỏa mãn âm nhạc cao hơn nhiều chỉ bằng cách đơn giản là giải thoát âm nhạc khỏi sự cản trở của căn phòng? Đó là vì họ chưa bao giờ biết được hệ thống âm thanh của họ có thể hay đến mức nào với một ít nỗ lực để khiến thành phần quan trọng nhất trở nên hòa hợp với hệ thống, thay vì phá hoại nó. Tôi không muốn bạn nghĩ là tôi chống đối việc nâng cấp thiết bị. Ngược lại, tôi hoàn toàn ủng hộ diều đó. Nhưng cớ gì phải làm tổn hại đến giá trị của việc nâng cấp? Hãy cứ mua sắm những thiết bị mới, tốt hơn theo ý thích và ngân sách của bạn. Chỉ cần trì hoãn việc đó đến khi đã thiết lập xong nền tảng cơ bản để hỗ trợ cho quyềt định nâng cấp. Nền tảng cơ bản đó là căn phòng của bạn. Chúng ta sẽ đề cập đến nhiều vấn đề cân chỉnh và một số lớn trong đó liên quan đến phòng nghe. Hầu hết những vần đề về phòng nghe nằm ở các Tip 59-89.
Tip #12: Câu chuyện về 2 hệ thống giống hệt nhau nhưng lại trình diễn khác hẳn nhau Năm 2002, tôi đang làm đại lý phân phối loa Avantgarde Acoustic và nhận được vài bài bình luận tốt về hệ thống mà tôi trưng bày tại nhà ở Atlanta. Vì vậy một số audiophile muốn đến nghe thử trực tiếp. Một quý ông điện thoại đến, ông ta đang đi công tác Atlanta và muốn đến nhà tôi nghe thử vài phút. Ông ta từng gọi và email cho tôi trước đó. Ông ấy đã sắm một hệ thống y hệt của tôi, kể cả cáp và kệ máy. Do mua đồ second-hand nên ông không có được sự trợ giúp từ một đại lý chính thức nào. Ông ta đã viết thư hỏi tôi các thông tin set-up cơ bản cho loa Avantgarde cũng như cách tôi chỉnh bias cho bộ ampli đèn… Tôi đã cung cấp ấy tất cả các thông tin kỹ thuật ông ta hỏi. Rồi ông ấy đến, sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi ngồi ngay xuống nghe nhạc, vì ông ta có rất ít thời gian. Chúng tôi cùng nghe 1 CD tham chiếu của tôi, mà ông ta cũng có ở nhà. Hết bản nhạc đầu tiên, ông ta ngồi im, không nói câu nào. Hết bản nhạc thứ 2, ông ta đứng bật dậy, cực kỳ giận dữ, như thể sắp bỏ đi ngay. Hoàn toàn bối rối, tôi hỏi sao ông ta lại phản ứng như thế. Câu trả lời là ông ta cực kỳ choáng váng. Ông ta có những thiết bị giống hệt của tôi, thậm chí phòng nghe chuyên biệt của ông ấy còn tốt hơn phòng tôi (và đúng thế thật). Ông ta thốt lên: “tôi không thể hiểu tại sao tôi không thể có được dù chỉ ¼ chất lượng âm thanh như hệ thống của ông!” Tôi giải thích là vì tôi đã cân chỉnh hệ thống cho phù hợp với căn phòng của riêng tôi và điều đó tạo nên sự khác biệt lớn hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi đề xuất ông ấy sử dụng dịch vụ của một người kinh doanh audio mà tôi biết ở vùng đó. Nhưng ông ấy đã không nghe theo, vì người bán hàng đó không chịu giảm giá. Vậy là ông ta đã tiêu hàng ngàn đô la mua thiết bị và rồi vẫn thấy thất vọng chỉ vì không muốn bỏ thêm khoảng 500 đô để có một chuyên gia đến cân chỉnh hệ thống cho căn phòng của mình. Sau đó tôi được biết rằng ông ấy đã mua những thiết bị đắt tiền hơn nữa, vài sợi cáp đắt gấp đôi cáp trong hệ thống của tôi. Vài tháng sau, ông ta gửi email cho tôi, bảo rằng đã bán đi toàn bộ hệ thống. Ông ta không thể đạt được âm thanh như ở chỗ tôi, không thể hài lòng với âm nhạc. Ông ta làm như thể tôi là người chịu trách nhiệm về điều đó. Cơ bản là ông ta nghĩ ném tiền vào những thiết bị cao cấp hơn sẽ giải quyết được vấn đề, đưa ông ta đến thiên đường âm nhạc. Nhưng ông ta chưa bao giờ hiểu rằng, ngay cả khi đã được hướng dẫn cụ thể, cân chỉnh hệ thống cho phù hợp với thành phần quan trọng nhất – căn phòng – mới là con đường cơ bản đem đến sự thỏa mãn. Vậy rốt cục có phải ông ta đã tiết kiệm được tiền bằng cách tìm mua các thiết bị cao cấp đã qua sử dụng? Câu trả lời trong trường hợp này là KHÔNG. Ông ta đã thực sự lãng phí số tiền đó do không nhận ra yếu tố quan trọng nhất, và có lẽ rẻ nhất. Đó cũng là lý do vì sao tôi viết cuốn sách này.
Ấy chết, bác đừng bỏ qua vậy. Phí. Nếu bác cảm thấy nó không có giá trị lắm thì bác để đó dịch cho anh em sau.
bài dịch của bác hay quá bác ơi,em đọc mà càng ngày càng thấy thú vị.Mong bác bỏ công sức giúp anh em mở mang thêm được tầm nhìn
Tip #16: Tại sao nên để loa xa tường Trước tiên phải lưu ý là có nhiều bộ loa được thiết kế để đặt sát tường hay trong góc. Những loại loa đó nổi tiếng do kiểu sắp đặt của chúng, chúng sử dụng vách tường liền kề để hỗ trợ việc tái tạo âm trầm. Tip này không nói về các kiểu loa đó. Khi mọi người hỏi tôi tại sao lại cần đặt loa cách xa tường và góc nhà, tôi bảo họ hãy lắng nghe giọng tôi nói khi tôi để đầu sát tường hay trong góc tường _ âm thanh bị nghẹt lại phần nào, khi tôi bước ra cách tường vài bước giọng tôi trở nên sống động hơn. Đây là một hiệu ứng rất dễ nhận thấy, bạn có thể tự thử nghiệm. Tương tự thế với các nhạc cụ. Tôi đã nhiều năm hành nghề thu âm và không bao giờ tôi lại để một nhóm tứ tấu đàn dây ngồi trong góc phòng hay sát vách tường. Các nhạc cụ cần có không gian “thở” để phát huy chất lượng âm thanh tự nhiên của chúng. Trừ phi được thiết kế để sắp xếp trong góc hay sát tường, loa cũng cần không gian để thở, chúng được thiết kế để sử dụng như vậy. Sắp đặt khác đi sẽ làm giảm chất lượng trình diễn của chúng và hiệu quả âm nhạc của toàn hệ thống. Nếu căn phòng của bạn không phải chỉ dành cho nghe nhạc và bộ loa không thể để cố định tại vị trí tối ưu của nó, bạn có thể cứ để nó sát tường. Nhưng khi bạn định nghe một cách nghiêm túc, hãy dời chúng đến đúng vị trí cần thiết. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải đánh dấu chính xác các vị trí đó.
Thanks bác CD Shop. Tip #12 là nền tảng cơ bản của sách, mong bác dịch giúp anh em mở mang kiến thức. Hình như shop của bác trước đây tên là hi-end.com.vn thì phải, mua tấm mút quá lâu rồi chưa ghé lại. Chắc phải đến shop diện kiến bác quá. Toàn gặp chị nhà và mấy cô sales ko hà
@nick149: e chỉ bán CD gốc đúng như tên nick của e thôi bác ạ, tại địa chỉ bên dưới. Chị nhà e thì k đứng bán hàng, bác nhầm thế thì ... chít em :lol:
khi em nhận ra điều này, cách nay 2-3 năm gì đó thì việc nâng cấp thiết bị của em giảm lại ngay lập tức. sau đó em tập trung tìm hiểu về âm thanh, âm học phòng nghe, em làm tán âm, em làm tiêu âm, em đo đạc phòng nghe, em kê loa cho tốt, em tìm điểm ngọt sao cho đáp tần tốt nhất... và giờ, em yên tâm và thoải mái khi nghe. cám ơn bác. bác làm cho em sống lại với cảm giác muốn chia sẽ về phòng nghe, âm học trước kia. nhưng em không làm nổi. thân mến,
Nhờ topic bác Tuấn 1 tý vì đây cũng là 1 tip. Đó là tip em học trên audiogon các bác áp dụng rồi báo lại nhé: - Dây dẫn đặc biệt là dây loa không được để nằm sát trên mặt đất mà phải treo cao và không được để vắt chéo chồng lên nhau. Nghe hay hơn rõ, cứ như bị tẩu (mà thật) các bác ạ. Happy Listening! HETE
em thấy bài viết hay quá,và như vậy chung quy chúng ta nên sắp xếp và nhờ chuyên tư vấn phòng nghe nhạc phù hợp nhất.kiểu này các bác bán hàng chết với em rồi,em không mua linh tinh nữa để dành tiền xây phòng thôi :lol: em cảm ơn bác nhiều lắm
NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG LƯU Ý Một số điều trong phần này ngược lại với những quan niệm audiophile phổ biến, vài điều khác lại trùng khớp. Cho dù bạn theo khuynh hướng nào, hãy cứ coi chúng như vũ khí dự trữ trong kho tàng bí quyết giúp hệ thống âm thanh của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Tip #56: Nâng cao dây dẫn (nhân đóng góp của bác hiend-to-end về vấn đề này, e xin dịch trước tip có liên quan ) Một số thảm trải sàn có thể tác động đến các dây dẫn tín hiệu. Nếu có thể, tôi gợi ý bạn thử nâng cao các dây dẫn lên khỏi mặt sàn bằng một thứ gì đó ví dụ như miếng bọt biển. Không phải tôi bảo bạn sử dụng thứ đó lâu dài, mà chỉ để xem thử vệc đó có làm thay đổi chút gì cho hệ thống của bạn? Dường như tôi có vấn đề về tĩnh điện hay thứ gì đó tương tự với thảm sàn phòng nghe cũ của tôi, bởi vì hệ thống của tôi đã có cải thiện khi tôi nâng các dây dẫn cao lên khỏi mặt thảm. Sau cùng, tôi đã dùng những chân gỗ của Cardas làm cho mục đích đó. Thực tế là, tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nếu dùng cái gì đó cao hơn nữa. Tuy nhiên tôi cũng không muốn có một thành phố mini với các cục gạch-gỗ khắp phòng nghe. Một lý do khác khiến các audiophile và các nhà sản xuất thiết bị audio sử dụng vật nâng dây dẫn là vì họ tin rằng những rung động của sàn gây ảnh hưởng đến độ trong trẻo và độ động của dây dẫn. Vài loại chân nâng dây dẫn được thiết kế như là chân khử rung. Nếu bạn thấy thích thú với ý tưởng này, có rất nhiều loại và nhãn hiệu chân nâng dây dẫn để lựa chọn. Nhưng tôi gợi ý bạn nên thử trước bằng vài cái chân tự làm để xem bạn có nghe được sự khác biệt không. Hoặc cũng có thể mua lấy vài bộ chân chuyên dụng, chừng nào mà bạn được người bán cam kết cho hoàn trả lại nếu như hiệu quả của chúng không đáng kể trên bộ dàn của bạn. Cũng xin lưu ý trước, hiệu quả của việc này không lớn lắm. Tôi thích nó vừa đủ để gợi ý cho bạn thử, nhưng chỉ sau khi bạn đã hoàn tất những bước set-up chính.
Tip #55: Khử từ cho đĩa CD - sự lừa phỉnh hay cứu tinh? Tôi biết về thứ này lần đầu tiên khi một công ty muốn tôi dùng thử nó và tôi đã phải cố gắng kiềm chế không cười vào mặt họ. Dù sao đi nữa, họ vẫn gửi cho tôi 1 cái để đánh giá và tôi đã thử nghiệm ngay khi nhận được. Nó có tác dụng, nhưng rất ít. Nó không phải cây đũa thần. Tuy nhiên loại bỏ tĩnh điện trên các đĩa CD giúp chúng cho âm thanh tốt hơn, nhưng khác biệt trước và sau khi làm điều đó không đến mức như ngày và đêm. Đây cũng là một trong những phụ kiện mà tôi gợi ý bạn nên thỏa thuận với người bán là có thể trả lại nếu như không nhận thấy tác dụng gì. Hãy thử nó, nhưng chỉ sau khi bạn đã hoàn tất các bước cân chỉnh chính. Tôi thực sự không nhận ra sự khác biệt trên một hệ thống trước khi được cân chỉnh đúng. Nhưng sau đó bạn có thể nhận ra phần đóng góp của việc khử từ. Tip #54: Tắt màn hình Không phải tất cả, nhưng môt phần lớn thiết bị có màn hình hiển thị kỹ thuật số không được cách ly đúng mức. Thậm chí một số gây ra tiếng ồn nhiễu mà bạn có thể nghe được trong khi chúng bật sáng. Để có âm thanh tốt nhất, hãy tắt những màn hình đó bất cứ khi nào có thể. Chú ý: giảm độ sáng của chúng thường làm vấn đề trở nên tệ hơn. Hãy bật hẳn hoặc tắt hẳn, tất nhiên tắt hẳn thì tốt hơn.
Vì cái Tip #54 này mà trước đây em bị ném đá nát người :twisted: Marantz đã nhìn thấy chuyện này khá sớm & cho phép cdp đời mới có khả năng tắt màn hình hiển thị. Ngoài ra SA-11S2 & SA7-S1 còn được tích hợp màn hình có độ nhiễu rất thấp( em thấy nó khác so với các sản phẩm còn lại). Cảm ơn bác Tuấn nhiều, cuốn sách thực sự bổ ích, đang được quảng cáo trên Stereophile(4/2010).
Em mạo muội góp ý bác chuyển title của tip#8 thành "Cảm nhận cảm xúc trong âm nhạc", vì từ extracting mang nghĩa "trích ra phần tinh túy" của một điều (chất,..) gì.
Cảm ơn 2 bác tamvinhlong & Thich Tum Lum. E xin sử dụng câu dịch của bác tamvinhlong ạ. Tip #45: Không nên để bề mặt phản xạ âm thanh nào trước mặt bạn. Tốt nhất là bạn đừng để bàn cà phê hay thứ gì đó có thể phản xạ âm thanh ở giữa vị trí nghe của bạn và cặp loa. Bỏ đi những thứ tạo ra âm thanh phản xạ sớm (trước khi âm thanh trực tiếp đến tai bạn) và ngoài ý muốn sẽ giúp bạn nghe được nhiều chi tiết âm nhạc hơn. Nếu bạn có một cái bàn cà phê và không thể di chuyển nó thì hãy phủ một cái chăn hay cái cái khăn tắm lên nó. Lưu ý: nếu sàn phòng nghe của bạn làm bằng vật liệu cứng và phản xạ âm thanh (gạch hay gỗ, không thảm…) thì bạn lại không nên di chuyển cái bàn đó. Vài mảnh vải hút âm phủ lên nó sẽ cải thiện đáng kể chất lượng buổi nghe của bạn. Tip #48: Bao nhiêu công suất là quá nhiều? Thông thường, không phải ampli thừa công suất sẽ làm hỏng loa mà ngược lại: do ampli quá yếu. Nguyên do là khi ampli phải kéo cặp loa vượt quá khả năng của nó, sóng điện do nó tạo ra sẽ có dạng vuông (thay vì dạng sin) _ thường được gọi là “clipping” (hình cái kẹp giấy). Tôi đặc biệt lưu ý điều này với các ampli bán dẫn, vì ampli đèn thường tạo ra dạng sóng mượt hơn. Sóng dạng vuông này sẽ sinh ra nhiệt lượng lớn trong cuộn dây của củ loa và, sớm hay muộn, sẽ làm cháy nó. (Tip này liên quan đến kỹ thuật, nếu có thuật ngữ nào các bác rành kỹ thuật thấy không đúng vui lòng sửa giúp em ạ)
E xin giới thiệu trước tiêu đề của các Tip hấp dẫn tiếp theo, trong đó có đề cập đến những vấn đề từng được thảo luận nảy lửa trên diễn đàn Tip #49: Hiệu ứng âm thanh audiophile Tip #50: Phép thử "bên ngoài phòng nghe" Tip #51: Có nên có phòng nghe nhạc riêng? Tip #57: Nếu bạn đã quá 50 tuổi, liệu thính lực của bạn có còn đủ tốt để mà bận tâm tới chất lượng âm thanh?
Em xin đóng góp ý kiến Để có âm thanh tốt hơn Trước khi quyết định thay đổi thiết bị or dây Các Bác nên lưu ý : Điện và Phòng
Tip # 50: Phép thử “bên ngoài phòng nghe” Tôi bắt đầu sử dụng kỹ thuật này tại các kỳ hội chợ CES thập niên 80. Khi đó tôi đang sở hữu một cửa hàng high-end và thường cùng đi với các nhân viên của tôi. Khi chúng tôi hứng thú với một sản phẩm mới nào, tôi thường dừng lại ở ngay gần cửa phòng trưng bày khi họ đang mở nhạc. Tôi muốn nghe xem âm nhạc được thể hiện như thế nào. Nó có giống như buổi trình diễn đang diễn ra trong phòng? Hay nó mênh mông, hoành tráng như thể ta đang ở trong nhà hát? Vì tôi đứng ngoài phòng, hình ảnh sân khấu và các hiệu ứng âm thanh audiophile khác không tác động tới tôi. Chỉ có âm sắc, nhịp điệu và độ động. Nếu câu trả lời là “có”, âm thanh tỏ ra cuốn hút, chúng tôi mới bước vào phòng và chúng tôi đặt kỳ vọng vào những sản phẩm này cao hơn nhiều so với những sản phẩm không thể hiện được như thế. Phép thử này cũng hữu dụng cho các hệ thống âm thanh tại gia. Tất nhiên nó không phải phép thử duy nhất nhưng tôi nhận thấy rằng những hệ thống có thiết bị tốt và được cân chỉnh đúng sẽ luôn luôn vượt qua phép thử này.
Tip #51: Có nên có phòng nghe nhạc riêng? Ngay cả khi bạn muốn và có khả năng để dành riêng một phòng nghe nhạc, vẫn có điều cần cân nhắc nếu như bạn không ở một mình. Nghe nhạc trong phòng nghe riêng là một điều cực kỳ thú vị. Âm nhạc sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi bạn không bị phân tâm. Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt trái của nó. Vấn đề ở đây không liên quan tí gì đến audio, mà là về quan hệ. Tôi nhớ đã từng nói với vợ là thật quá tốt khi tôi luôn ở nhà buổi tối, trong phòng nghe nhạc, thay vì đi đâu đó bên ngoài. Tôi cảm thấy tôi phải giải thích điều đó cho vợ bởi vì, thành thật mà nói, tôi biết là có gì đó không đúng trong chuyện này. Và đây là điều tôi học được, từ chính mình cũng như một số người khác _ những người có phòng nghe riêng (có cửa để đóng lại): nếu bạn có mặt ở nhà nhưng lại như không hiện diện với gia đình thì còn tệ hơn là bạn ngồi ngoài quán bar. Vì vậy, nếu bạn có một phòng nghe nhạc riêng, hay bạn dự định có một cái, tôi gợi ý bạn hãy chia xẻ việc sử dụng nó với các thành viên trong gia đình. Nếu không làm được như vậy, hãy chắc chắn rằng bạn dành đủ thời gian bên ngoài căn phòng đó để gia đình bạn biết rằng bạn quan tâm tới họ. Hãy nhớ rằng một hệ thống âm nhạc tốt, sắp đặt đúng là phương tiện điều chỉnh tâm trạng tuyệt hảo. Tip này chỉ nhằm nhắc bạn chớ làm phát sinh những tâm trạng xấu trong khi bạn ẩn dật ở thiên đường của mình.